Một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và các biện pháp phòng ngừa với các loại tội phạm thường xuyên xảy ra vào dịp tết Nguyên đán, mọi người dân chia sẻ để mọi người dân biết, cảnh giác, nâng cao ý thức, biện pháp phòng ngừa các loại tội phạm thường xảy ra trong dịp Tết.
Thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức bán hàng, mua hàng
Đối tượng vào vai người bán hàng với thủ đoạn cung cấp các mặt hàng tốt nhưng giá rẻ, hời để đánh vào tâm lý, lòng tham của bị hại, sau khi bị hại chuyển tiền cọc hàng xong thì chặn liên lạc với bị hại.
Lừa đảo mua hàng kém chất lượng bằng cách gọi điện cho bạn với lời chúc mừng bạn là người may mắn nhận được quà tặng từ chương trình…. sau đó yêu cầu bạn phải trả phí ship khi nhận quà.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn có thể vào vai người mua hàng, để người bị hại tin, đối tượng sẽ gửi cho bị hại một đường link (có tên giống với ngân hàng), yêu cầu bị hại đăng nhập vào đường link điền thông tin về số tài khoản, mật khẩu, mã OTP để nhận tiền cọc; bị hại nhập xong thì đối tượng đã chiếm đoạt quyền sử dụng ứng dụng Internet Banking và tự động chuyển tiền từ tài khoản của bị hại sang tài khoản của đối tượng.
Thủ đoạn lừa đảo cho vay tiền qua App (ứng dụng vay tiền online)
Thủ đoạn này đánh vào tâm lý của bị hại “làm hồ sơ vay tiền online, tiền vay được duyệt nhanh chóng, lãi suất cực thấp”, các đối tượng thường sẽ tạo các trang trên Facebook, zalo và các mạng xã hội khác, chạy quảng cáo để tiếp cận được nhiều người.
Nhóm đối tượng sau khi thuyết phục được bị hại vay thường sẽ gửi các đường link kết nối với CH Play để bị hại tải các ứng dụng này về điện thoại và làm theo hướng dẫn của App.
Bị hại đăng nhập số tài khoản vào thì hệ thống luôn luôn báo nhập thiếu, sai, thừa một số tài khoản nên hợp đồng vay bị khóa, đây là 1 thủ đoạn của đối tượng tạo cho bị hại tình thế cấp thiết, muốn vay bằng được. Đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền cọc vào để mở lại, tiếp sau đó phải chuyển tiền để giải ngân (sau khi giải ngân sẽ được trả lại số.
Xem thêm: Cảnh giác với thủ đoạn cho vay nặng lãi – tín dụng đen
Tội phạm CƯỚP, CƯỚP GIẬT TÀI SẢN
1. Đối tượng cướp giật thường sử dụng xe phân khối lớn, rảo quanh các tuyến đường, khi phát hiện “con mồi” sẽ áp sát (hoặc dùng hung khí đánh nạn nhân) nhằm chiếm đoạt tài sản rồi bỏ chạy.
2. Lợi dụng đêm khuya, khu vực ít người qua lại, nạn nhân đi ít người hoặc sử dụng điện thoại hoặc mang theo tài sản có giá trị (dây chuyền, bông tai, giỏ xách, laptop, tiền, vàng…). Để tiếp cận nạn nhân, các đối tượng sẽ chặn đầu xe hoặc dùng vật cản để làm nạn nhân giảm tốc độ để chúng và đồng bọn thực hiện hành vi cướp, cướp giật tài sản.
3. Đeo bám hoặc cho đồng bọn theo dõi những người vừa rút tiền ngân hàng, tiệm vàng ra, khi đến địa điểm thuận lợi (khu vực vắng người, có đường cua, hoặc vừa về tới nhà dừng xe để mở cổng) thì áp sát tiếp cận, khống chế nạn nhân chiếm đoạt tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát.
4. Nhóm tội phạm từ 8 đến 10 tên (có cả nữ) đi xe chạy lòng vòng, khi phát hiện ra bị hại chúng sẽ cho một số xe cản đầu nạn nhân dàn cảnh một vụ đụng xe hoặc vụ đánh ghen nhắm vào nạn nhân làm nạn nhân mất cảnh giác để đồng bọn áp sát lấy tài sản và nhanh chóng trốn thoát .
Biện pháp phòng ngừa:
1. Không dừng, đậu xe nơi tối vắng, nếu phải qua khu vực này nên đi từ 2 người, cảnh giác khi có đối tượng nghi vấn. Không sử dụng điện thoại khi đi đường, trường hợp cần thì đậu xe vào lề đường và quan sát xung quanh, cầm điện thoại bên tay phải hướng vào bên trong lề đường. Trên đường đi nếu phát hiện có đối tượng nghi vấn bám theo thì chạy chậm sát lề đường hoặc tấp vào nơi có đông người.
2. Khi giao dịch ở tiệm vàng, ngân hàng và điểm ATM nên có người đi cùng, luôn chú ý quan sát và cảnh giác. Nếu có nhu cầu vận chuyển tiền với số lượng lớn, nên đi ô tô hoặc taxi và bố trí đủ người canh giữ bảo vệ khi đưa tiền lên xuống.
3. Khi đi đường bằng xe máy không nên đeo quá nhiều trang sức, vật phẩm, giỏ sách có giá trị. Người đeo dây chuyền vòng vàng đi xe máy cần cài kín nút áo cổ, không để lộ trang sức ra ngoài. Túi xách, đồ vật có giá trị nên bỏ vào cốp xe hoặc móc chặt vào xe có ràng buộc kĩ càng.
4. Khi bị cướp giật phải thật bình tĩnh ghi nhớ nhận dạng đối tượng, loại xe, biển số xe và tri hô thật lớn để mọi người xung quang trợ giúp, sau đó nhanh chóng gọi điện hoặc đến ngay cơ quan công an gần nhất trình báo.
Tội phạm TRỘM CẮP TÀI SẢN
Đa số nguyên nhân dẫn đến tội phạm trộm cắp tài sản chính là do sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của người dân, người quản lý bảo vệ tài sản trong các cơ quan, doanh nghiệp và các hộ gia đình như: không khóa cổ, khóa xe máy, để phương tiện ở những nơi không có người trông coi; cửa hàng khóa bằng các loại khóa không an toàn, thậm chí quên không khóa cửa nhà hoặc cửa phòng làm việc.
Hoặc khóa cửa phòng, cửa nhà nhưng không khóa cửa sổ. Các cơ quan, doanh nghiệp, trướng học không có bảo vệ hoặc bảo vệ lỏng lẻo, không lắp đặt hệ thống giám sát an ninh (camera ghi hình), hệ thống chiếu sáng tường rào không đảm bảo an toàn.
Phương thức thủ đoạn hoạt động:
1. Trước khi gây án các đối tượng thường tiếp cận hiện trường để nắm tình hình, điều kiện, những sơ hở thiếu sót mất cảnh giác trong công tác quản lý, bảo vệ tài sản để trộm cắp.
2. Những hộ gia đình đối tượng nhắm đến là những hộ gia đình thường xuyên vắng nhà không ngưới trông coi, hộ gia đình biệt lập không quan hệ với bà con xung quanh, hộ không trang bị hệ thống chống trộm…Hướng đột nhập thường là cổng chính, cổng sau, cửa sổ, cửa lầu, ô thông gió…
3. Thủ đoạn trộm cắp xe gắn máy:
- Lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý xe gắn máy như: dựng xe không sử dụng khóa chống trộm, không có người trông coi hoặc thậm chí nạn nhân còn gắn sẵn chìa khóa trên xe, đối tượng dùng chìa khóa vạn năng, đoản…để phá khóa trộm xe.
- Đột nhập vào nhà trộm xe gắn máy có sẵn chìa khóa và tẩu thoát.
- Đối tượng trộm cắp làm giả thẻ giữ xe đánh tráo ghi thêm xóa bớt vào vé xe, trên thân xe hoặc sử dụng biển số xe máy giả để trộm cắp xe máy ở bãi giữ xe, giữ xe không lấy vé.
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm TRỘM CẮP TÀI SẢN:
1. Luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, luôn chủ động tự quản lý và bảo vệ tài sản của mình.
2. Đối với các hộ gia đình cần gia cố cửa nhà, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, chống axit, “khóa trong ” để chống cắt phá khóa.
Khi đi ngủ cần kiểm tra kĩ các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng.
Khi vắng nhà qua đêm, vắng nhà nhiều ngày phải nhờ người trông coi hoặc đem gửi các tài sản có giá trị.
Nên làm tường rào ngăn chặn việc đối tượng trèo từ cây xanh, trụ điện gần để đột nhập vào nhà, khuyến khích trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động chống trộm để quan sát từ xa.
3. Tạo mối quan hệ gắn bó với mọi người xung quanh, phải biết số điện thoại di động của hàng xóm, cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ.
4. Chủ nhà cho thuê phòng trọ, khách sạn phải có trách nhiệm lắp đặt hệ thống camera quan sát, không để đối tượng lợi dụng cư trú ẩn nắp để hoạt động phạm tội.
5. Đối với xe gắn máy cần phải trang bị thêm khóa chống trộm( khóa bánh, khóa chống trộm, còi báo động…) khóa thắng đĩa. Chú ý khi để xe ở những nơi công cộng, cơ sở dịch vụ phải có người trông coi (có thẻ gửi xe ), khi về nhà nên đưa xe máy vào bên trong có khóa cổng, rút chìa khóa xe cất an toàn, khi gửi xe phải nhận thẻ giữ xe.
Tội phạm Đánh bạc
Thời gian trước, trong và sau Tết là thời gian tội phạm cờ bạc hay lợi dụng để hoạt động phạm tội với tâm lý “Được chơi bài vui vẻ trong 3 ngày tết”
Các hình thức đánh bạc như: tú lơ khơ, cá độ bóng đá, xóc đĩa, đua ngựa, xúc xắc, bài cào, đá gà….và hiện nay nổi lên là tình hình tội phạm đánh bạc qua mạng rất phổ biến và có chiều hướng gia tăng.
Bất kì ai, cơ quan, tổ chức nào có hành vi đánh bạc trái phép được thua bằng tiền dưới hình thức nào, ở đâu và trong thời gian nào đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Biện pháp Phòng ngừa đối với loại tội phạm Đánh bạc :
Các cơ quan, tổ chức và cá nhân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện báo cáo kịp thời cho cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn kịp thời xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, ai có tình bao che hoặc che giấu hoạt động đánh bạc đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tội phạm MUA BÁN và SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY
Phương thức thủ đoạn hoạt động:
1. Đối tượng sử dụng ma túy thường chủ yếu tập trung vào thanh thiếu niên hư hỏng, không có công ăn việc làm ổn định, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình.
2. Các đối tượng thường tụ tập sử dụng ma túy tại các quán bar, vũ trường, Karaoke, nhà nghỉ, khách sạn….có sự móc nối của nhân viên hoặc chủ cơ sở kinh doanh.
3. Đa số người nghiện ma túy để có tiền mua ma túy đều phạm tội trộm cắp, cướp giật, lừa đảo. Phần lớn các tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ những đối tượng nghiện ma túy.
4. Một phần nhỏ người sử dung ma túy là thanh niên, thiếu nữ, người lao động, công nhân viên, không nhận biết hết chất ma túy vì ham vui cùng với bạn bè nên hay lôi kéo sử dụng thuốc lắc, ketamin (hay còn gọi là “kẹo”, “khay” để tăng độ phê, lắc) khi vào vũ trường quán bar.
Nhiều người còn có tâm lý “ma túy đá, khay, kẹo không gây nghiên” – đây hoàn toàn là một sụ dối trá, không chỉ gây nghiện, ma túy tổng hợp còn có thể nhanh chóng làm phá hủy hệ thống thần kinh trung ương nếu sử dụng trong thời gian dài
Biện pháp Phòng ngừa đối với loại tội phạm MUA BÁN và SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY:
1. Tìm hiểu hậu quả tác hại của ma túy đối với gia đình và xã hội, KHÔNG SỬ DỤNG MA TÚY DÙ CHỈ MỘT LẦN.
2. Báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất khi phát hiện các đối tượng nghi vấn