Dưới đây là danh sách sơ bộ các cây lan kiếm Tiên Vũ thuộc dạng var semi alba (5 cánh sạch hoàn toàn hoặc hầu như sạch, chỉ còn ám mờ chút xíu nơi gốc cánh).
Đa số cây semi-alba mới nổi lên ở miền Trung trong năm 2019, nên cần có thêm thời gian luyện rèn, xổ hoa như kỳ vọng. Một số cây gặp không ít thị phi về nguồn gốc.
Trong bài này ghi nhận các thông tin xuất xứ do chủ cây cung cấp; cây nào không rõ thông tin xuất xứ thì đánh dấu hỏi (?). Còn lại mỗi người tự nhìn nhận, chọn mặt hoa/cần hoa/thân thủ để chơi, và mỗi cây kiếm dù có nguồn gốc thế nào sẽ tự tìm chỗ đứng của riêng mình trong làng kiếm Việt…
Lan kiếm Hoàng Long
1. Tên riêng của cây kiếm: Hoàng Long (Phan Trí, Sư Phụ, HPS viết tắt của tên ghép “Hoàng (Long) – Phan (Trí) – Sư (Phụ)”, Thượng phương bảo kiếm, Mai Hoa – Phú Quốc, Gia Lai vàng).
Hoàng Long có nghĩa là “Rồng Vàng” – biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Hoàng Long mang vị thế Quân Vương bởi vẻ đẹp xuất sắc, toàn diện của cây kiếm cả về củ, lá và hoa. Với thân thủ phi phàm, cốt cách và thần thái bậc nhất, Hoàng Long được coi là bảo bối trấn vườn của các kiếm thủ trong làng kiếm Việt.
2. Loài: Kiếm Tiên vũ (Cym. finlaysonianum)
3. Thuộc dạng: Var Semi Alba, cánh vàng sáng, lưỡi ánh hồng
4. Nguồn gốc lan kiếm Hoàng Long: Sài Gòn
Cái đẹp phô bày hết ra ngoài của Hoàng Long không có gì phải bàn cãi, ngay cả những cây kiếm xịn của nước ngoài cũng phải ghen tỵ. Nhưng xuất xứ và tên gọi của cây kiếm QUÂN VƯƠNG này lại là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Từng có nhiều cái tên gắn với cây kiếm này: Hoàng Long, Phan Trí, Sư phụ, Thượng phương bảo kiếm, Mai Hoa (Phú Quốc), Gia Lai vàng…
Bởi vậy, một số kiếm thủ lão làng đã so sánh các tên kiếm này trong thực tế (không chỉ qua một vụ hoa, mà qua vài vụ hoa để loại trừ các khác biệt do điều kiện nuôi trồng, thay đổi tiểu vùng khí hậu), đồng thời cất công tìm hiểu, truy nguyên nguồn gốc của nó.
Kết luận được phổ biến rộng rãi là: các tên kiếm này đều xuất thân từ một người là bác Nguyễn Minh ở Nhà Bè (được bác Sáu Tỵ tặng lại cây kiếm này từ nguồn rừng miền Trung). Khoảng năm 2007 bác Nguyễn Minh tách tặng cho thầy Trừu (mọi người gọi là Sư phụ) và Vườn lan Hai Beo. Tiếp đó Vườn lan Hai Beo tách tặng thầy Phan Trí và 2 nghệ nhân chơi lan khác. Từ đó cây kiếm dần được chia sẻ cho các kiếm thủ trong cả nước (bao gồm cả phát tán qua đường kiếm tặc). Các thầy ngày xưa chỉ gọi cây kiếm này đơn giản là kiếm vàng, hoặc kiếm củ vàng. Cây mang tên Sư phụ từ nguồn nhà Sư phụ. Cái tên Hoàng Long xuất hiện vào khoảng năm 2010-2011 (tên đầy đủ là “Hoàng Long dâng châu”, sau gọi gọn lại là Hoàng Long), nguồn cây từ một kiếm thủ trong Sài gòn mua được cây này từ nguồn các thầy. Rêng cái tên Phan Trí, hoặc gọi tắt là Trí, được các kiếm thủ phía Bắc gọi theo tên thầy Phan Trí khi được thầy chia sẻ cây kiếm này ra Hải Phòng vào khoảng cuối năm 2011.
Bởi vậy, từ năm 2017 trở lại đây nhiều kiếm thủ đã chấp nhận cái tên ghép “Hoàng – Phan – Sư” (Hoàng Long – Phan Trí – Sư phụ) hoặc viết tắt là “HPS” để truy nguyên nguồn gốc và tránh thiệt hại cho người chơi. Vì một thời cây kiếm mang tên Hoàng Long có giá bán vượt trội so với các tên kiếm khác.
Nhưng vẫn có một dòng ý kiến cho rằng cây Hoàng Long có sự khác biệt với cây Phan Trí, về một số mặt như hình thái thân củ, khuôn hoa, màu hoa, đặc điểm sinh trưởng… Dòng ý kiến này cũng khá mạnh. Kể ra khác biệt ý kiến là bình thường. Điều đáng mừng, tuy mỗi người có thể gọi cây kiếm với tên khác nhau, đến nay mọi người đã chấp nhận các cây kiếm này đều được bán, mua với cùng một giá.
Nói gì thì nói, cái tên đẹp nhất, thể hiện đầy đủ nhất vị thế QUÂN VƯƠNG của cây kiếm chính là HOÀNG LONG. Cái tên đẹp cho một cây kiếm đẹp, đã góp phần thay đổi nhận thức của các kiếm thủ: để tỏa sáng trong làng kiếm, cây cần có tên, và tên cần tương xứng với cây.
5. Đặc điểm của cây lan kiếm:
- Mặt hoa: màu vàng sáng rực rỡ, cánh bầu xếp cân đối tương đối khít khi mới nở. Lưỡi trắng ánh hồng quyến rũ, giữa lưỡi có ánh vàng lan vào họng và lên trụ nhụy.
- Cần hoa: cần hoa xanh, dài, thẳng, dày bông, phân hoa đều, rủ xuống như chuỗi ngọc.
- Mùi hương: thơm khá đậm
- Thân, lá, mầm: củ phát từ đáy, cây trưởng thành củ mập hơn lon bia, hơi thon phần cổ lá. Thùy lá xanh sạch, măng mầm xanh nõn chuối. Bộ lá xòe mở, vút thẳng, bản lá dày và to bậc nhất trong làng kiếm. Lá kiếm Hoàng Long đạt 5 – 6cm là rất bình thường, cây khủng lá đạt 7cm thậm chí hơn 7cm. Khi đủ lực tròn bụi Hoàng Long lên chậu như hoa hậu lên ngôi, với số đo các vòng hoàn hảo, thần thái uy nghi đĩnh đạc khiến các kiếm thủ ngất ngây.
- Đặc điểm sinh trưởng: Với bộ dạng khủng và tốn nhiều dinh dưỡng nuôi cây, Hoàng Long phát triển không nhanh như nhiều cây kiếm khác.
- Các trường hợp biến thiên: Hoàng Long soi kỹ mỗi giò, mỗi lần nở hoa mỗi khác một chút, tùy mùa, tùy cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, tiểu khí hậu của mỗi vườn và thời tiết ở mỗi địa phương. Hoa nở đẹp nhất trong 8 – 12 giờ đầu khi lưỡi duỗi thẳng, sau đó lưỡi hơi cuộn lại và cánh hoa dần chuyển màu vàng đậm hơn.
Còn có dòng “Hoàng Long lùn” với thân lá rất ngắn, có thể do khác biệt lâu ngày về cách cho ăn nắng, cách tách cây, cách phân thuốc.
Cây kiếm QUÂN VƯƠNG đẹp miễn chê là vậy, có khuyết điểm nào chăng? Xin thưa, khuyết điểm trầm trọng nằm ở bộ lá, với tình trạng lá sần khá phổ biến. Theo một số kiếm thủ, mẹ láng con chuyển sần có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn khi tách chiết trồng lại cây mất rễ gặp thay đổi môi trường nắng quá hoặc lạnh quá dẫn đến mất nước, không đủ dinh dưỡng, bị các loại kiến rệp bọ trích, do không sát trùng cẩn thận bị virus tấn công… Lá sần mang tính di truyền, cho đến nay chưa có biện pháp chuyển sần thành láng được công bố. Do tâm lý các kiếm thủ cả năm chơi lá 2 tuần chơi hoa, nên giá của cây sần hiện nay chỉ bằng 25 – 30% so với cây láng (dù đã có thời cách đây 5-6 năm giá cây sần không hề thua kém cây láng).
Đây cũng là một thiệt thòi của cây sần, bởi cây sần có nét đẹp khỏe khoắn riêng, hoa vẫn lung linh như thường, thậm chí cây sần cánh hoa còn dầy hơn, màu còn rực rỡ hơn cây láng. Và sở hữu một cây Hoàng Long lá sần vẫn là mơ ước của nhiều kiếm thủ.
Nguồn bài viết:
- https://www.facebook.com/groups/muabanlankiemvn/posts/586206832131651/
- https://www.facebook.com/groups/muabanlankiemvn/posts/469041503848185/
Lan kiếm Vàng Củ Chi
1.Tên riêng của cây kiếm: Vàng Củ Chi
Vàng Củ Chi được mệnh danh là cây lan kiếm Trấn Môn, bởi nó khởi nguồn từ Củ Chi – vùng đất thép thành đồng ở cửa ngõ tây bắc Sài Gòn đã hiên ngang vượt qua bao tháng năm lửa đạn khốc liệt, và cũng bởi thần thái dõng dạc của cây lan kiếm mang đậm tính cách của những người con đất phương Nam vừa kiên trung, bất khuất vừa hào sảng, khoáng đạt và chân tình.
Ngắm nhìn cây lan kiếm Vàng Củ Chi khoe sắc rực rỡ và tỏa hương rất dịu, như càng hiểu thêm giá trị của cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió, sau bao gian truân vẫn vượt lên để khẳng định chính mình và làm đẹp cho đời. Máu và hoa…
CỦ mì đắng từng nuôi chiến sĩ
CHI nhánh hầm nung chí hùng anh
ĐẤT kia giặc xới tan tành
THÉP bom phủ lấp màu xanh ruộng vườn.
THÀNH bót ngự pháo vươn tầm nã
ĐỒNG lửa bừng cháy cả cỏ cây…
(bài thơ “Đất thép thành đồng” – tác giả Trần Đình Sơn)
2. Loài: Kiếm Tiên vũ (Cym. finlaysonianum)
3. Thuộc dạng: Var Semi Alba, cánh vàng sáng, lưỡi trái tim ánh hồng
4. Đặc điểm của cây kiếm:
- Mặt hoa: Cánh hoa hơi nhọn bung thẳng căng, đượm một màu vàng dịu rực rỡ không tỳ vết. Lưỡi to hình trái tim không hề bị cụp, màu trắng pha sắc hồng, có ánh vàng ở giữa lan lên toàn trụ nhụy.
- Cần hoa: Cần hoa dài, dày hoa, với điểm đặc sắc là phân hoa thành chùm một (từng cụm 2 – 3 – 4 hoa cách đều nhau).
- Mùi hương: Thơm dịu nhẹ.
- Thân, lá, mầm: Củ nhỏ, lá cứng ngắn vươn thẳng, đa số sần nhẹ, bản lá vừa phải (thường không quá 4 – 5 cm), hai thuỳ đầu lá tròn. Thân lá khiêm tốn có thể coi là một điểm trừ của Vàng Củ Chi, nhưng nuôi trồng tốt sau 1 – 2 năm thân lá phát triển mướt xanh không thua kém mấy so với các cây kiếm khác.
- Đặc điểm sinh trưởng: thuộc loại đẻ chậm.
- Các trường hợp biến thiên: Hoa rất giữ khuôn, sau 3 – 5 ngày nở cánh và lưỡi hoa vẫn duỗi thẳng cho đến khi tàn.
5. Nguồn gốc, xuất xứ lan kiếm Vàng Củ Chi:
Vàng Củ Chi có gốc xuất xứ từ một khóm kiếm nhỏ cách đây tầm 14 – 15 năm tại Củ Chi, do hai nghệ nhân chơi lan có thâm niên là Hai Bơ và Hải Đặng lưu giữ (không rõ trước đó khóm kiếm này đến từ đâu). Từ hai nghệ nhân này, qua quá trình chăm sóc, thuần dưỡng và nhân giống, cây kiếm Vàng Củ Chi dần được chia sẻ cho các kiếm thủ khắp cả nước.
Xưa kia các nghệ nhân Củ Chi gọi nó đơn giản là cây kiếm vàng. Cái tên Vàng Củ Chi chỉ thực sự tỏa sáng từ giữa năm 2018 trở lại đây, sau khi vượt qua những thị phi do tên tuổi một thời gian bị đánh đồng với 1-2 cây kiếm khác…
Lan kiếm Vàng Tây Ninh (VTN)
1. Tên riêng: Vàng Tây Ninh
2. Loài: Kiếm Tiên vũ (Cym. finlaysonianum)
3. Thuộc dạng: Var Semi Alba, Trụ nhụy sạch, Lưỡi hồng
4. Đặc điểm:
- Mặt hoa: cánh vàng sáng, lưỡi hồng tươi tắn, trụ nhụy vàng óng. Một số cây chăm tốt có lực, hoặc chỉ để một vài bông nở gần đây có khuôn hoa cánh sen bung cân đối nhìn khá đẹp. Tuy nhiên, đa số cây có khuôn hoa rủ, hai cánh tràng gần hình thoi nhăn mép, hai cánh đài sệ (một số kiếm thủ gọi vui là cây “đầu cánh vuông” hoặc cây “cánh cụp cánh xòe”).
- Cần hoa: Một số cây khỏe ấm chậu cần hoa khá đẹp. Tuy nhiên đa số cần hoa ngắn, hơi zic zac, ít bông, thưa bông.
- Mùi hương: khá thơm.
- Thân, lá, mầm: Bộ lá khá đẹp, lá dày vươn cứng cáp, bản lá có thể đạt 6cm. Bộ lá là điểm mạnh của Vàng Tây Ninh (trước đây đã có tình trạng bán Vàng Tây Ninh nhưng lừa lấy tên Hoàng Long, do hai cây đều có bộ lá khủng; điểm khác biệt dễ nhận thấy của cây trưởng thành nuôi tốt là củ Hoàng Long thường to nở và thắt eo; trong khi củ Vàng Tây Ninh thường nhỏ và thuôn hơn).
- Đặc điểm sinh trưởng: đẻ rất khỏe, cây phát triển nhanh.
- Độ ổn định/Các trường hợp biến thiên: Bông mới nở cánh hơi ngả xanh, sau chuyển vàng nhạt.
5. Nguồn gốc, xuất xứ lan kiếm Vàng Tây Ninh: Tây Ninh (?)
Về nguồn gốc của cây Vàng Tây Ninh không thực sự rõ ràng. Cách đây trên 10 năm (trước năm 2010) cây này có ở Tây Ninh sau đó lan ra các địa phương khác trong cả nước. Còn cây từ đâu đến Tây Ninh thì không rõ (trong đó có giai thoại cây này xuất xứ từ ngoài Việt Nam).
Một thời lan kiếm Vàng Tây Ninh gặp nhiều thị phi do bị lẫn lộn với 1 – 2 cây kiếm khác. Tuy nhiên là cây kiếm có mặt hoa var semi alba, bộ lá đẹp, giá cả hợp lý nên Vàng Tây Ninh vẫn có chỗ đứng trong vườn các kiếm thủ.
Lan kiếm Vàng Sông Hinh (VSH)
Sông Hinh là huyện miền núi ở tây nam của tỉnh Phú Yên, nơi khởi nguồn của dòng Sông Hinh (được chặn dòng làm thủy điện) chảy về đổ vào dòng Sông Ba và đổ ra biển ở Đà Rằng, Tuy Hòa. Cây kiếm vàng được gắn với xuất xứ nơi phát hiện ra cây kiếm.
1. Tên riêng: Vàng Sông Hinh
2. Loài: Kiếm Tiên vũ (Cym. finlaysonianum)
3. Thuộc dạng: Var Semi Alba, Trụ nhụy sạch, Lưỡi hồng
4. Đặc điểm:
- Mặt hoa: cánh vàng sáng nở cân đối, lưỡi ánh hồng, trụ nhụy vàng óng.
- Cần hoa: cần xanh, cao nhất đạt 28 bông, phân hoa đều, khá dày bông.
- Mùi hương: thơm nhẹ thoang thoảng.
- Thân, lá, mầm: Thân lá khá đẹp, lá dày, vươn, bản lá đạt 5,5cm. Măng mầm đầu lá sạch.
- Đặc điểm sinh trưởng: đẻ tương đối khỏe (thời tiết miền Trung và miền Nam đẻ tốt, thời tiết lạnh như ở Di Linh, Lâm Đồng đẻ chậm chút).
- Độ ổn định/Các trường hợp biến thiên: Khi mới nở cánh hoa có màu xanh cốm; sau 1 – 2 ngày cánh hoa chuyển màu vàng sáng đến khi tàn. Đặc trưng đa số cây lưỡi hồng lên rõ màu sau khi nở 8 – 12 tiếng (khi mới nở màu hồng của lưỡi chưa rõ, sau đó màu lưỡi chuyển đậm dần, và còn phụ thuộc vào cách chụp/máy chụp). Bông giữ khuôn tạm ổn, lưỡi cuộn nhưng cánh ít quăn sau nở căng.
5. Nguồn gốc, xuất xứ lan kiếm Vàng Sông Hinh: Phú Yên
Bạn Đỗ Trọng Toàn (fb Toan Trong Do) ở Sông Hinh, Phú Yên bắt gặp giò kiếm hoa vàng treo cạnh hàng rào bạn Phạm Hiển ở gần nhà vào năm 2016 (Phạm Hiển cho biết mua bụi kiếm trong dân khoảng 10 năm về trước), bèn xin 3 thân về trồng.
Sau một năm rưỡi cây xổ hoa, Toàn quay lại nhà Phạm Hiển và giao lưu bằng mấy giò giả hạc được một số thân nữa. Toàn có chia sẻ 2 thân cho bạn Lê Công Tuấn (fb Tuan Lecong) ở Kon Tum, sau khi cây nhà Tuấn xổ hoa vào năm 2018, Tuấn có gợi ý cho Toàn và hai anh em thống nhất đặt tên cây là Sông Hinh kiếm.
Cây sau này được Việt Râu (Hồ Việt Bazana) viết bài giới thiệu trên trang hội kiếm vào tháng 6/2019 với cái tên Vàng Sông Hinh. Hiện cây không có nhiều giống nên mới chia sẻ cho một số ít kiếm thủ…
Thông tin thêm: Ở Phú Yên ngoài đặc sản lan kiếm Vàng Sông Hình thì còn có lan kiếm Vàng La Hiên, kiếm Thuận Thiên Bảo Kiếm, Hồng Phú Yên, Hồng Sông Hinh, Vàng 78, Vàng H’Ly, Vàng Sông Ba …
Kiếm Vàng La Hiên (fb Lê Khương)
Lan kiếm Vàng H’ly (sông Hinh – Phú Yên)
Lan kiếm Vàng H’Ly được anh Dương Đình Nhã (Fb Đông Nhã) lấy từ địa điểm H’Ly (thác Tây Du Ký) thuộc Huyện sông Hinh – Phú Yên. Cây được tầm vào gần giữa năm 2019 (không nhớ rõ tháng vì thời điểm đó đi bóc rừng về bán xổ số hằng ngày ) từ cái bụi già lỗi lá khi khai thác… (Nguồn thông từ Link gốc).
Lan kiếm Vàng La Hiên
1. Tên riêng: Vàng La Hiên
2. Loài: Kiếm Tiên vũ (Cym. finlaysonianum)
3. Thuộc dạng: Var Semi Alba
4. Đặc điểm:
- Thân thủ đẹp, điểm khác biệt với các cây var. alba khác là củ già nở to phình tròn như bicolor. Lá láng dày cứng, bản lá to nhất trên 6cm. Cây đẻ khỏe.
- Bông khá to (tầm 5-6cm), 5 cánh mở cân đối, mới nở màu vàng sáng pha chút xanh ngọc, sau nở căng chuyển vàng. Lưỡi vươn, màu trắng tinh khiết điểm vàng, khi cuộn đều không lệch. Trụ nhụy vàng sạch tỉnh nổi bật. Cần hoa xanh, thẳng, phân hoa đều tứ diện, dài đến 1,2m rủ duyên dáng, đạt 30 bông. Mùi rất thơm. Bông giữ khuôn.
5. Nguồn gốc, xuất xứ lan kiếm Vàng La Hiên: Phú Yên
Cây xuất xứ từ dãy núi La Hiên, rừng Đồng Xuân, Phú Yên, do bạn Le Khuong sưu tầm từ tháng 7/2019. Đến năm 2021 cây đã nở hoa lại cả cần ổn định tại miền Trung và miền Nam.
Lan kiếm Semi Hòa Bắc
1. Tên riêng: Semi Hòa Bắc (SHB)
Cây kiếm vàng lưỡi hồng được tìm thấy tại xã Hòa Bắc thuộc huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố chừng 40km về phía Tây Bắc. Xã Hòa Bắc nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Bạch Mã và Bà Nà – Núi Chúa, hình thành nên từ các dãy núi có vách dựng đứng, độ cao trung bình khoảng 200 m. Nơi đây có những cánh rừng nguyên sinh đa đạng, các dòng sông, suối, thác ghềnh gần như nguyên vẹn nét hoang sơ tự nhiên.
2. Loài: Kiếm Tiên vũ (Cym. finlaysonianum)
3. Thuộc dạng: Var Semi Alba, Lưỡi hồng
4. Đặc điểm:
- Mặt hoa: cánh trúc màu vàng sáng sạch không tỳ vết, cánh nở bung cân đối. Trụ nhụy ám. Lưỡi hồng cánh sen đậm, hoa già chuyển màu gần đỏ nhung. (Bộ cánh chuẩn chỉ semi-alba, lưỡi hồng cánh sen, trụ nhụy ám là điểm đặc sắc của SHB, khó lẫn với các cây khác).
- Cần hoa: cần thẳng, xanh ngả vàng, phân hoa đều, cây trên rừng đạt 27 bông, nở lại trên thân già tại vườn đạt 20 bông.
- Mùi hương: thơm nhẹ (như các cây tiên vũ miền Trung khác)
- Thân, lá, mầm: thân thủ khá. Củ to, lá thuôn (cây từ rừng về lá xấu do thời tiết quá khô, đang trong quá trình rèn lại tại vườn).
- Đặc điểm sinh trưởng: đẻ khỏe
- Độ ổn định/Các trường hợp biến thiên: cánh quăn lật nhẹ, lưỡi cuộn sau nở căng.
5. Nguồn gốc, xuất xứ kiếm Semi Hòa Bắc: Đà Nẵng
Hai bạn Tôn Thất Tín và Đồng Công tầm được bụi kiếm vàng lưỡi hồng tại rừng Hòa Bắc, Đà Nẵng vào ngày 8/6/2019. Trước đó 1 tuần 2 bạn đã gặp bụi kiếm đang nụ, nhưng quyết đợi thẩm hoa nở tại rừng mới lấy về. Ba ngày sau khi lấy về (11/6/2019) Tín Tôn Thất giới thiệu cây lên trang hội kiếm Đà Nẵng với cái tên SHB (viết tắt của Semi Hòa Bắc).
Đến cuối tháng 8/2019 cây đã nở lại trên thân già tại vườn nhà Tín, hoa căng hơn và sáng hơn so với hoa nở tại rừng gặp lúc trời khô hạn. Hiện cây đã chia sẻ cho một số ace kiếm thủ tại địa phương (Bana GH, Tuyết Nguyễn…).
Lan kiếm Hồng Nghĩa Bình
1. Tên riêng: Hồng Nghĩa Bình
Nghĩa Bình là địa danh cũ của 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi thời chưa tách tỉnh. Cái tên Hồng Nghĩa Bình để kỷ niệm cái duyên giao hòa của các kiếm thủ Quảng Ngãi phát hiện cây kiếm lưỡi hồng đặc sắc tại rừng Bình Định.
2. Loài: Kiếm Tiên vũ (Cym. finlaysonianum)
3. Thuộc dạng: Var Semi Alba, Trụ nhụy sạch, Lưỡi hồng, Lưỡi liền
4. Đặc điểm:
- Mặt hoa: cánh sạch màu vàng sáng nở bung cân đối, cuống hoa sạch, trụ nhụy sạch. Điểm đặc sắc là lưỡi liền màu hồng.
- Cần hoa: cần thẳng, xanh (cần hoa mới đầu ám, sau phai màu dần đến khi bung hoa), khá dày hoa
- Mùi hương: khá thơm
- Thân, lá, mầm: thân thủ khá đẹp, lá cứng cáp, dày vươn thẳng, bản lá to nhất đạt 6cm. Mầm ám rõ như cây kiếm mắm bình thường.
- Đặc điểm sinh trưởng: cây đẻ khỏe (thường đẻ đôi, có thân đẻ 3)
- Độ ổn định/Các trường hợp biến thiên: bông khá giữ khuôn, lưỡi cuộn nhẹ sau nở căng.
5. Nguồn gốc, xuất xứ kiếm Hồng Nghĩa Bình: Bình Định
Ba bạn gồm Ngô Hiếu, Vương Đức và Nguyễn Tấn Vinh (tên fb Năm Trâu) ở Quảng Ngãi trong một chuyến đi rừng Hoài Nhơn, Bình Định vào tháng 10/2018 đã phát hiện ra bụi kiếm, lúc đó cần hoa hỏng chỉ còn 1 bông rụng lưỡi còn rõ bộ cánh sạch. Đến tháng 10/2019 sau đúng 1 năm cây nở lại khá đẹp tại vườn nhà (trên thân già tách âm), được Ngô Hiếu giới thiệu trên trang hội kiếm và đặt tên là Hồng Nghĩa Bình.
Lan kiếm Xanh Quảng Trị
1. Tên riêng: Xanh Quảng Trị
Cây kiếm var semi alba cánh màu xanh cốm có nguồn gốc từ Quảng Trị.
2. Loài: Kiếm Tiên vũ (Cym. finlaysonianum)
3. Thuộc dạng: Var SemiAlba, Trụ nhụy sạch, Lưỡi hồng
4. Đặc điểm:
- Mặt hoa: cánh sạch, mới nở có màu xanh cốm sau ngả vàng, cánh gày, khi mới nở 2 cánh rủ tới trước. Lưỡi ánh hồng, trụ nhụy trơn
- Cần hoa: cần xanh, phân hoa đều
- Mùi hương: thơm nhẹ
- Thân, lá, mầm: thân thủ đẹp, củ to, lá láng mịn, dầy, hơi vặn, bản lá to, nuôi tốt có thể đạt gần 6cm.
- Đặc điểm sinh trưởng: đẻ rất khỏe
- Độ ổn định/Các trường hợp biến thiên: Lưỡi cuộn sau 2 ngày nở, cuộn ngay ngắn không bị méo.
5. Nguồn gốc, xuất xứ kiếm Xanh Quảng Trị:
Cây do bạn Minh Phương Trần ở Hà Nam sưu tầm và giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 10/2017. Minh Phương Trần cho biết cây do một bác lái xe lấy ở Quảng Trị về năm 2012, trồng tại Hà Nam sau 5 năm mới xổ hoa. Do cánh hoa ngả màu xanh cốm khi mới nở nên đặt tên là Xanh Quảng Trị để ghi nhớ nguồn gốc của cây. Cây đã được chia sẻ cho nhiều kiếm thủ chủ yếu ở Hà Nam.
Năm 2019 bạn Minh Phương Trần có tặng Hội lan kiếm lá cứng Đất Việt 2 cặp để đấu giá ủng hộ hội thi lan kiếm. Tháng 8/2019 cây nở lại nhiều cho mặt bông khá đẹp tại vườn của Minh Phương Trần và Nguyễn Hải.
Lan kiếm Hồng Quảng Ngãi
1. Tên riêng: Hồng Quảng Ngãi
2. Loài: Kiếm Tiên vũ (Cym. finlaysonianum)
3. Thuộc dạng: Var Semi Alba, Trụ nhụy sạch, Lưỡi hồng, Lưỡi liền
4. Đặc điểm:
- Mặt hoa: cánh vàng sáng, sạch không tỳ vết, nở bung cân đối. Trụ nhụy sạch. Điểm đặc sắc là lưỡi liền màu hồng duyên dáng, lưỡi khá vươn (sau nở khoảng 8h lưỡi lên rõ màu hồng đẹp).
- Cần hoa: cần xanh, phân hoa đều, cần hoa mới đạt gần 20 bông do nở từ thân nhỏ yếu. – Mùi hương: thơm đậm
- Thân, lá, mầm: củ nở, lá cứng cáp dựng đứng (không bị cong rủ – đây là một đặc điểm các kiếm thủ lưu ý khi mua cây này), lá nhỏ khoảng trên dưới 3cm (sau luyện rèn bộ lá sẽ to hơn).
- Đặc điểm sinh trưởng: đẻ khỏe
- Độ ổn định/Các trường hợp biến thiên: cánh quăn nhẹ, lưỡi cuộn nhẹ sau nở căng.
5. Nguồn gốc, xuất xứ kiếm Hồng Quảng Ngãi: Quảng Ngãi
Cây kiếm đang hoa có mùi hương đậm do bạn Trung Phạm tầm được vào tháng 10/2016 tại rừng Đức Phổ, Quảng Ngãi (Trung Phạm cho biết gặp cơ duyên, đi chơi thác ngửi thấy mùi hoa thơm đi tìm được).
Tháng 7/2018 cây xổ hoa lại lần đầu tại vườn được Trung Phạm giới thiệu trên trang hội kiếm với tên Lưỡi hồng Quảng Ngãi, sau anh em kiếm thủ gọi gọn lại là Hồng Quảng Ngãi. Cây ít giống nên mới chia sẻ cho một số kiếm thủ.
Lan kiếm Hồng Bà Nà
Cây kiếm semi lưỡi hồng đầu tiên được tìm thấy ở sườn phía Tây núi Bà Nà – khu du lịch nổi tiếng có khí hậu mát mẻ quanh năm, thuộc địa phận xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, cách Đà Nẵng 25 km về phía Tây Nam.
1. Tên riêng: Hồng Bà Nà (Bà Nà kiếm, Hồng Hải Đăng)
2. Loài: Kiếm Tiên vũ (Cym. finlaysonianum)
3. Thuộc dạng: Var Semi Alba, Lưỡi hồng
4. Đặc điểm:
- Mặt hoa: 5 cánh vàng sáng hầu như sạch (3 cánh đài sạch, 2 cánh tràng còn chút xíu vệt ám mờ nơi gốc cánh). Lưỡi màu hồng, nhọn hình trái tim, vươn duyên dáng, lưỡi liền hoặc gần liền. Trụ nhụy ám hồng, về tàn chuyển màu đậm.
- Cần hoa: dày hoa, cần đạt 25-27 bông nở bói trên thân già. Cuống hoa dài. Nụ ám chuyển dần sang vàng khi gần nở.
- Mùi hương: rất thơm (thơm nồng đến khi hoa tàn)
- Thân, lá, mầm: thân thủ tầm trung, củ khá, lá mỏng, láng bóng, dài vừa phải, hơi võng, bản lá ở rừng về đạt 4.5cm (qua luyện rèn bộ lá sẽ to hơn nữa), mầm ám.
- Đặc điểm sinh trưởng: đẻ khỏe (thường đẻ đôi một bên gốc).
- Độ ổn định/Các trường hợp biến thiên: bông khá giữ khuôn, điểm đặc sắc là lưỡi không cuộn, giữ khá thẳng từ đầu đến cuối cần đến khi tàn.
5. Nguồn gốc, xuất xứ kiếm Hồng Bà Nà: Đà Nẵng
Cây kiếm vàng lưỡi hồng đang hoa được chú Thiện – một thợ rừng kỳ cựu, lấy về từ núi Bà Nà vào ngày 24/9/2019. Anh BaNa GH DaNang lấy một phần lớn từ bụi kiếm 70 thân chú Thiện tầm về. Cùng ngày 24/9/2019 lấy cây về vườn nhà từ chú Thiện, BaNa GH DaNang giới thiệu trên trang hội và đặt tên là Bana Hồng kiếm (Hồng Bà Nà), để kỷ niệm cơ duyên sưu tầm được cây kiếm lưỡi hồng ưng ý lần đầu tiên tìm thấy ở núi rừng Bà Nà.
Cũng trong ngày 24/9/2019, anh Phamtranle Ni Hoa lan lấy đầu tiên một số thân cùng bụi từ chú Thiện và có đăng lên trang hội với cái tên Bà Nà kiếm.
Đến ngày 2/10/2019 bạn Hồ Phượng Hoàng (lấy một bụi 35 củ, cả củ già bé, từ chú Thiện) chờ nụ từ rừng về nở lại và có đặt một tên khác cho cây này là Hồng Hải Đăng. Đến nay cây đã nở lại khá đẹp tại vườn BaNa GH DaNang và một số kiếm thủ khác.
Lan kiếm Hồng Nhật Minh
1. Tên riêng: Hồng Nhật Minh
Nhật Minh là tên tự đặt, để kỷ niệm cơ duyên xổ được bông kiếm đến từ núi rừng Quảng Nam có cái lưỡi hồng sáng đẹp dưới nắng bình minh.
2. Loài: Kiếm Tiên vũ (Cym. finlaysonianum)
3. Thuộc dạng: Var Semi Alba, Trụ nhụy sạch, Lưỡi hồng
4. Đặc điểm:
- Mặt hoa: cánh vàng sáng hầu như sạch (còn chút xíu vết ám mờ nơi gốc cánh), nở bung cân đối, lưỡi vươn, đầu lưỡi và hai thùy bên màu hồng tươi, trụ nhụy sạch.
- Cần hoa: cần to, xanh sau ngả vàng, đạt tầm 25-30 bông, phân hoa hơi thưa mấy bông đầu cần, các bông sau phân đều.
- Mùi hương: khá thơm (đi ngang là cảm nhận được)
- Thân, lá, mầm: thân thủ vừa phải, lá hơi võng, bản lá đạt 5cm, măng mầm đầu lá xanh sạch
- Đặc điểm sinh trưởng: đẻ hơi chậm
- Độ ổn định/Các trường hợp biến thiên: Bông khá giữ khuôn, cánh quăn nhẹ, lưỡi không bị cuộn tròn cho đến khi tàn.
5. Nguồn gốc, xuất xứ kiếm Hồng Nhật Minh: Quảng Nam
Tháng 6/2018 bạn Nam Phan ở Kon Tum mua của Vườn Lan Hồ Ân một số thân kiếm xổ, trong đó có một khóm kiếm thân thủ khá đẹp, măng mầm đầu lá sạch đầy hứa hẹn. Anh Ân cho biết khóm kiếm này do đích thân anh tầm được ở rừng Quế Sơn – Quảng Nam vào tháng 4/2018.
Đến tháng 5/2019 cây đã xổ những bông hoa vàng lưỡi hồng rất đẹp, Nam Phan đặt tên cây kiếm là Hồng Nhật Minh và chính thức giới thiệu trên các trang hội kiếm.
Do có ít giống nên cây hiện mới được chia sẻ cho một vài kiếm thủ, và 1 thân đẹp Nam Phan tặng lại Hồ Ân để tri ân người đã tầm được cây kiếm quí. Hiện tại ngoài Nam Phan chưa có ai khác xổ hoa cây này.
Nguồn bài viết: Hoàng Xuân Thành