Cách làm dịch chuối và GE chuối để tưới lan, hoa hồng, cây ăn quả

Dịch chuối và GE chuối là 2 loại chế phẩm sinh học hữu cơ tốt nhất cho cây trồng, cung cấp dinh dưỡng và vitatmin, khoáng chất đặc biệt là kali giúp cho phong lan, hoa hồng ra nhiều hoa, hoa có màu sắc tươi đẹp, lâu tàn.

Cùng với các loại cây trồng lấy trái như ớt, cà chua, mướp đắng, dưa leo,… thì cây sẽ cho nhiều hoa, đậu quả cao, quả to và đẹp hơn.

Bài viết dưới đây Cẩm nang cây trồng sẽ hướng dẫn bạn đọc cách làm dịch chuối và GE chuối hiệu quả nhất.

Chuẩn bị nguyên liệu

Muốn làm được dịch chuối và GE chuối trước tiên bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:

  • 1 – 2 kg chuối (có thể sử dụng chuối bỏ đi, bị dập, thâm hay nhũn chuối đều được).
  • Đường mía hoặc nước mía.
  • Màng lọc và lưới lọc bả.
  • Hủ đựng dịch chuối.
  • Dao, thớt, nồi nấu và cân.

Dịch chuối

Cách làm dịch chuối

Bước 1: Sử dụng 1 kg chuối, cắt chuối thành các khoanh nhỏ, bỏ phần đầu đen của chuối. Sau khi cắt xong chuối lấy 3 lít nước cho vào nồi (bạn có thể sử dụng nước mưa, nước sông đều được nhưng đảm bảo nước không nhiễm phèn, nhiễm mạnh). Đổ chuối đã cắt vào trong nồi để đun sôi nấu trên bếp.

Bước 2: Nấu dịch chuối trong 30 phút là được, tuy nhiên bạn cần chú ý trong 5 phút đầu tiên bạn nên để lửa ở nhiệt độ lớn và sau 5 phút đầu nên vặn lửa ở mức nhỏ nhất. Trong quá trình nấu, bạn nên đậy kín nồi lại bằng vung để tránh thất thoát dinh dưỡng thoát ra bằng hơi nước. Đối với những bạn nấu với lượng chuối nhiều có thể tăng lên nấu 45 phút sau đó tắt bếp.

Bước 3: Để nguội dung dịch chuối sau đó lọc ruột chuối và nước chuối riêng (chú ý khi để nguội chuối bạn vẫn nên đậy kín nồi như vậy sẽ đảm bảo được dinh dưỡng của chuối không thoát ra ngoài được). Cho thêm nước vào trong nước chuối để đảm bảo lượng nước vẫn đủ 3 lít nước.

Bước 4: Say nhuyễn thịt chuối sau đó đổ vào nước dịch chuối, khuấy đều nước với thịt chuối.

Bước 5: Cho nước dịch chuối vào hủ nhựa hoặc các chai nhựa, bỏ vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Hạn sử dụng khi để dịch chuối trong tủ lạnh là được 3 tháng.

Cách tưới dịch chuối

Mỗi lần sử dụng tưới cây bạn nên pha dịch chuối theo tỷ lệ 1:4 (1 lít dịch chuối pha 4 lít nước) khấy đều lên và tưới cho cây. Nên bón dịch chuối cho cây vào chiều mát để cây dễ hấp thụ hơn. Nên bón dịch chuối cách 2 – 3 tuần bón cho cây 1 lần nước dịch chuối để cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh.

Chú ý: Đối với các cây như hoa phong lan bạn nên lọc phần bả dịch chuối ra để tưới cho cây.

Bạn cũng có thể bón xen kẻ dịch chuối với phân đậu nành để cho cây đảm bảo được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây. Mỗi lần bón cách nhau 2 tuần.

Tuy nhiên, khi cây sắp ra hoa, đậu quả bạn nên ngưng bón phân đậu nành, chỉ bón mình phân dịch chuối cho cây.

Do giai đoạn ra hoa đậu quả cây cần nhiều kali để cung cấp nuôi hoa và đậu quả. Trong phân đậu nành có chứa nhiều đạ​m nếu bạn tưới quá nhiều đạm sẽ khiến cây bị rụng hoa và rụng quả non.

Ưu và nhược điểm khi làm dịch chuối

  • Ưu điểm: Cách làm dịch chuối là nhanh, gon, nấu xong bạn có thể sử dụng được dịch chuối cho cây ngay. Do dịch chuối được tạo ra bằng phương pháp nhiệt độ để thủy phân chuối để cây trồng dễ hấp thụ.
  • Nhược điểm: Cần phải bảo quản cẩn thận dịch chuối trong ngăn mát tủ lạnh và trong quá trình nấu dinh dưỡng của dịch chuối sẽ bị mất đi một phần.

GE Chuối

Cách làm GE chuối

Làm GE chuối tương tự với cách làm dịch chuối, tuy nhiên làm GE chuối bạn cần ủ cho chuối lên men trong vòng 3 tháng. Cách làm GE chuối như sau:

Bước 1: Sử dụng 2 kg chuối, cắt chuối thành các khoanh nhỏ, bỏ phần đầu đen.

Bước 2: Sử dụng 650g đường mía, đập nhuyễn đường ra, hòa tan đường với 6,5 lit nước (có thể thay thế bằng 650ml nước mía hoặc nhiều hơn do độ ngọt nước mía ít hơn đường).

Bước 3: Say nhuyễn thịt chuối, sau khi say chuối xong đổ chuối vào nước đường, khuấy đều chuối với nước đường.

Bước 4: Đổ nước chuối vào trong hủ, chỉ nên đổ 2/3 hủ đậy nắp kín lại (trong quá trình ủ GE chuối sẽ lên men sinh ra nhiều hơi làm căng hủ nhựa). Sử dụng túi nilon bịt kín miệng chuối lại để cho hủ không bị thoát hơi ra ngoài.

Bước 5: Đặt hủ GE chuối ở nơi tối, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp trong nhà. Khoảng 7 ngày sau khi ủ vặn lỏng nắp để cho hủ xả hơi một lần sau đó vặn chặt nắp kín lại. Ủ trong 3 tháng là có thể mang ra sử dụng. Lưu ý: Chỉ vặn lỏng nắp hủ GE chuối không nên mở hẳn nắp ra.

Cách bón GE chuối

Đối với mỗi loại cây trồng có cách sử dụng và liều lượng khác nhau. Trước khi sử dụng cần lọc cặn và bả chuối sau đó pha với nước tưới. Tỉ lệ pha 3ml GE chuối pha với 1 lít nước. Phun tưới cho cây vào chiều mát và cách 2-3 tuần nên phun tưới 1 lần.

Nếu bạn pha tưới gốc cây trồng bạn pha 30ml GE chuối với 10 lit nước tưới trực tiếp lên cây trồng không cần lọc bả.

Ưu và nhược điểm cách làm GE chuối

  • Ưu điểm: Cách làm GE chuối sẽ giữ được toàn bộ chất dinh dưỡng có trong quả chuối để bón cho cây trồng.
  • Nhược điểm: Bạn cần có thời gian để làm GE chuối và ủ lâu hơn so với làm dịch chuối.

Trên đây là cách hướng dẫn chi tiết bạn đọc cách làm dịch chuối và GE chuối cho cây trồng. Chúc bạn đọc thành công.

Nguồn: Tổng hợp

5/5 - (9 votes)

Leave a Reply