Nhiều người đang mơ mộng “làm ít hưởng nhiều” bằng thu nhập thụ động nhưng không biết rằng để tạo ra thu nhập thụ động phải mất một quãng thời gian dài cũng như phải đầu tư kiến thức, công sức, chất xám.
Tự do tài chính, thu nhập thụ động, nghỉ hưu sớm… là những khái niệm được xếp vào hạng “thời thượng” của nhiều người trẻ Việt gần đây. Từ đó kéo theo nhiều xu hướng đáng chú ý như: nghỉ hưu trước tuổi 30, bỏ phố về quê, trào lưu FIRE (Financial Independence & Retire Early – Độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm)…
Nói cách khác, người trẻ hiện đại có thêm kiến thức và những lựa chọn táo bạo hơn về tài chính, sự nghiệp, lối sống. Điều này khác hẳn với quan điểm, công thức của thế hệ trước rằng, học đại học => kiếm một công việc ổn định => tiết kiệm => đến tuổi về hưu chăm cháu, an nhàn thong dong.
Cũng chính vì những miêu tả có phần hợp thời, mỹ miều về một lối sống độc lập, tự chủ, tự do làm điều mình muốn như vậy mà nhiều người trẻ đang lầm tưởng vào lối sống được cho là “độc lập tài chính, không cần làm gì, chỉ cần ngủ cũng có tiền”.
Sự thật về thu nhập thụ động là gì?
Thu nhập được chia ra hai loại: Thu nhập chủ động và thu nhập thụ động.
Trong đó, thu nhập chủ động (Active Income) là khoản tiền một người nhận được khi bỏ sức lao động để tạo ra sản phẩm, dịch vụ. Làm công ăn lương là cách phổ biến để có thu nhập chủ động.
Thu nhập thụ động (Passive Income) được định nghĩa là những thu nhập chúng ta nhận được mà không cần, hoặc sử dụng rất ít sức lao động của mình. Cụ thể, thu nhập thu động là thu nhập từ việc cho thuê bất động sản, từ việc khai thác bản quyền sách, âm nhạc, tài sản sở hữu trí tuệ…
Thực tế, thu nhập thụ động không phải là “không làm gì cũng có tiền”. Để có được một nguồn thu thụ động ngay bây giờ bạn sẽ cần đổ vào đó công sức, chất xám để vun đắp và xây dựng. Việc tạo ra đủ thu nhập thụ động để tự do tài chính phải mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ.
Thực trạng này bắt nguồn từ việc nền giáo dục Việt Nam chưa đưa học phần dạy học sinh, sinh viên về nguồn gốc của tiền bạc, tầm quan trọng của việc quản lý tiền bạc, công cụ quản lý tiền bạc trong trường học. Chỉ sau khi có những trải nghiệm thất bại trong việc kiếm tiền, chi tiêu, khi đối diện với những vấn đề khó khăn về tiền bạc nhiều người mới bắt đầu hối hận bản thân chưa từng quản lý tốt tài chính cá nhân, mơ mộng về việc làm ít hưởng nhiều.
Xây nguồn thu nhập thụ động càng sớm càng tốt
Ngay bây giờ bạn có thể làm gì để bắt đầu hành trình tự do tài chính và gia tăng thu nhập thụ động?
Hãy bắt đầu bằng việc dành thời gian tìm hiểu kỹ bản chất từng khái niệm: tài chính, quản lý tiền bạc, thu nhập chủ động, thụ động, các kênh gia tăng tài sản… Cách tốt nhất để tìm hiểu về nó là bắt đầu từ những định nghĩa đúng, tự xây dựng từ điển về lĩnh vực này để nắm chắc kiến thức, cách vận hành và cách thức hành động cho chính mình.
– Khi hiểu đúng vấn đề bạn sẽ có nhiều cách bắt đầu.
Ví dụ, bạn là tuýp người chưa bao giờ quản lý tài chính hoặc chưa biết cách quản lý tài chính hiệu quả thì đừng vội “ham giàu” mà nhảy ngay vào tìm kiếm các kênh đầu tư gia tăng thu nhập thụ động. Bắt đầu từ việc đặt mục tiêu tiết kiệm hàng ngày, hàng tháng trước.
Nếu như thu nhập của bạn hàng tháng là 20 triệu thì hàng ngày bạn hãy bớt tiêu xài. Chỉ cần bớt 1 ly cà phê mỗi ngày (cà phê dao động thừ 25-60 nghìn đồng/ly) thì mỗi tháng bạn sẽ tiết kiệm được 1 triệu, tức 5% thu nhập của bạn.
Hoặc nếu bạn đã có sẵn một khoản tiết kiệm nhàn rỗi thì bạn có thể tìm hiểu qua sách vở, internet, bạn bè, chuyên gia để bắt đầu con đường gia tăng thu nhập thụ động bằng các kênh đầu tư hợp với “gu” với bạn. Có thể là vàng, chứng khoán, bất động sản…
– Việc tạo ra đủ thu nhập thụ động để tự do tài chính phải mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ. Vậy nên, bạn phải bỏ thời gian, công sức để học hỏi kiến thức về các kênh đầu tư mang lại lợi nhuận, hiểu về thị trường, các quy luật kinh tế học… Vì thị trường biến đổi liên tục, các kênh đầu tư lãi cao thì rủi ro cũng cao.
– Cuối cùng, bạn cần một mục tiêu rõ ràng và một cam kết có tính kỷ luật để xây dựng công thức tự do tài chính và nguồn thu nhập thụ động cho mình. Nhớ là vấn đề nằm ở kỷ luật, và sự quyết tâm của bạn mà thôi.