Top 3 Sai Lầm Về Tiền Bạc Khiến Bạn Mãi Nghèo

“Một đồng tiết kiệm là một đồng kiếm được”. Vậy mà rất nhiều người mắc phải 3 suy nghĩ sai lầm sau đây về tiền bạc, khiến bạn làm đồng nào tiêu sạch đồng đó.

SAI LẦM #1: TIỀN LÀ ĐỂ TIÊU

Tiền là để tiêu thì đúng rồi, vì một trong những chức năng cơ bản của tiền là thanh toán. Nhưng tiêu hết 100% hoặc tiêu quá lố mức mình kiếm được thì lại không ổn chút nào.

Nếu chi tiêu hết toàn bộ thu nhập được tạo ra trong kỳ, có thể là theo tháng, quý, hay năm, thì nguy hiểm hơn là ở những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

Trong cuộc sống ngày nay có quá nhiều bất định, và tất cả các biến cố xảy ra đều gắn với tiền: đau bệnh thì cần tiền thuốc men chữa trị, xe cộ hư hỏng thì cần tiền sửa chữa, làm bể bánh tráng của người khác thì phải mắc đền.

Khái niệm việc làm trọn đời cũng dần đi vào dĩ vãng, lỡ không may bị thất nghiệp, nếu có bảo hiểm xã hội thì đỡ chút, còn không thì sẽ phải làm sao?

Chính vì vậy phải chú ý đến thái độ sai lầm thứ nhất về tiền: tiền để tiêu, và còn để tiết kiệm, đầu tư. Mà tỷ lệ tiết kiệm, tức phần % còn lại sau khi chi tiêu so với tổng thu nhập, là một yếu tố hết sức quan trọng đến việc tạo lập tài sản, vì có thể chúng ta không kiểm soát được thu nhập, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được chi tiêu.

SAI LẦM #2: TIÊU BÂY GIỜ SƯỚNG HƠN

Nhiều người trẻ nghĩ rằng phải sống cho hiện tại và chi tiêu cũng theo cảm xúc này. Tuy nhiên sai lầm này lại đẩy họ vào những khó khăn tài chính trong tương lai.

Lấy một ví dụ đơn giản: nếu có tháng cần chi 3 triệu đồng, tháng cần chi 5 triệu đồng, và tháng cần chi 1 triệu đồng, thì nếu kiểm soát được ở mức trung bình 3 triệu/tháng thì sẽ không có tháng quá thiếu, tháng quá thừa.

Một yếu tố quan trọng không kém là tiết kiệm để rồi đầu tư, qua sự kỳ diệu của lãi kép để tạo ra giá trị của tiền lớn hơn sức tưởng tượng của nhiều người.

Để dành và đầu tư 1 triệu đồng 1 tháng, giả sử lãi suất 10%/năm, thì sau 10 năm không phải là có 120 triệu mà là khoảng 200 triệu lận, nếu được 5 triệu đều đặn mỗi tháng, thì sau 10 năm lên đến cả tỷ đồng chứ không phải là 600 triệu đồng.

Thêm vào đó, cái “sướng” của hiện tại rất dễ dẫn đến cảm giác tiếc nuối, vì lỡ tay xuống tiền rồi, giờ nếu có cái mới hay hơn, thích hơn lại không còn có đủ điều kiện tài chính.

Hay có những thứ mà mình rất thích, nhưng vượt quá khả năng chi trả hiện thời, nên cần phải có tiết kiệm, tích lũy để đủ khả năng thanh toán.

Nhiều bạn trẻ ở thành phố, đi làm và muốn có một căn hộ nhỏ của riêng mình, nhưng nếu tháng nào xào tháng đó thì bao giờ mới thực hiện được ước mơ của mình?

SAI LẦM #3: ĐỂ MAI TÍNH

Suy nghĩ, và thái độ cho rằng tiền có lúc nào tiêu lúc đó, đến đâu hay đến đấy thực chất là không cần có kế hoạch về chuyện tiền nong. Nhưng thực tế đã đúc kết rằng không có chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại.

Nếu không có kế hoạch tài chính trước, những việc bất ngờ xảy ra thì sẽ không trở tay kịp, vì không đủ thời gian, hay không đủ nguồn lực lúc đó. Chính vì vậy mà trong tài chính, hay chi tiêu, phương án B, B’ là rất cần thiết.

Những sự chuẩn bị trước về tài chính sẽ giống như lúc nào cũng giắt chiếc áo mưa theo xe máy trong Sài Gòn, kịp lúc với những cơn mưa bất chợt, rào một cái rồi lại tạnh.

Một kế hoạch tài chính có chuẩn bị chu đáo còn giúp cho việc theo dõi dễ dàng hơn, biết mình đã thực hiện đến đâu, còn cách mục tiêu bao xa.

Cre: TS Võ Đình Trí

5/5 - (11 votes)

 

Leave a Reply