Trang trí mâm ngũ quả từ lâu đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi độ Tết đến. Không cần mâm cao cỗ đầy, chỉ cần những thức quả tươi đã thể hiện lòng thành kính của gia chủ đối với ông bà tổ tiên. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ bật mí cho bạn cách trang trí mâm ngũ quả ngày Tết đơn giản mà không kém phần ý nghĩa cho Xuân này nhé.
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
Vào dịp Tết cổ truyền, tất cả các gia đình đều háo hức đi mua sắm nhằm chuẩn bị một mâm ngũ quả bày biện lên bàn thờ. Bởi đây là một trong những nét văn hóa tâm linh thể hiện sâu sắc lòng biết ơn nguồn cội của dân ta. Bên cạnh đó, nó cũng biểu trưng cho thành quả lao động miệt mài suốt một năm qua của con cháu dành cho bề trên.
Trang trí mâm ngũ quả ngày Tết có nhiều cách. Mỗi vùng miền, địa phương lại có cách bày biện mâm ngũ quả khác nhau. Tuy nhiên, mâm ngũ quả nào cũng sẽ đầy đủ 05 loại trái cây tượng trưng cho năm yếu tố quan trọng trong ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ. Qua đây cũng thể hiện được ước muốn bình an và mong muốn vạn sự như ý của gia chủ trong năm mới. Đó là lý do mà người ta thường nói nếu thiếu mâm ngũ quả thì ngày Tết ấy sẽ chẳng còn trọn vẹn và ý nghĩa.
Các loại trái cây trong mâm ngũ quả mang hàm ý gì?
Không phải ngẫu nhiên trong mâm ngũ quả có năm màu. Theo Phật giáo, hình ảnh ngũ quả tượng trưng cho “ngũ thiện căn” bao gồm tín căn (lòng tin), niệm căn (ghi nhớ), tấn căn (tính kiên trì), huệ căn (sự sáng suốt) và định căn (tâm không loạn).
Vậy nên mỗi loại quả được lựa chọn trang trí mâm ngũ quả ngày Tết cũng đều mang một hàm nghĩa sâu sắc riêng như:
- Nải chuối: tượng trưng cho mong ước sum vầy, quây quần và luôn chở che cho nhau.
- Quả bưởi: căng tròn, ước muốn một năm may mắn, thịnh vượng.
- Quả phật thủ: mang ý nghĩa cầu chúc năm mới phát tài.
- Cam, quýt: có màu sắc mạnh, tượng trưng cho sự thành công, thăng tiến.
- Dừa: đọc như “vừa” tức không thiếu.
- Thanh long: hình ảnh rồng mây hội tụ, phát tài phát lộc.
- Táo: cầu mong sự phú quý.
- Sung: biểu trưng cho sự sung túc về tiền bạc và sức khỏe.
- Đu đủ: cầu ước một năm mới đủ đầy, an khang.
- Xoài: phát âm na ná như “xài” mang hàm ý tiêu xài không túng thiếu.
Cách trang trí mâm ngũ quả ngày Tết theo từng miền
Tùy theo phong tục mà mỗi vùng miền nước ta sẽ có cách trang trí mâm ngũ quả đón Tết khác nhau. Dưới đây là cách bày mâm ngũ quả theo 03 miền Bắc – Trung – Nam đơn giản nhất:
Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc
Người dân miền Bắc thường bày mâm ngũ quả dựa trên thuyết ngũ hành với 05 màu: trắng, xanh, đen, đỏ và vàng. Vì vậy mà trong mâm ngũ quả miền Bắc sẽ có chuối, bưởi, hồng, đào và quýt.
Khi trang trí, nải chuối sẽ được đặt ở dưới cùng để đỡ lấy các loại quả khác. Ở giữa, bạn đặt một quả bưởi hoặc phật thủ. Các quả còn lại như hồng, quýt thì sắp xếp xung quanh xen kẽ ớt chín, quất,…Sau khi bày biện xong, bạn cảm thấy hài hòa và nhìn đẹp mắt là được, nếu chủ nhà biết phong thủy thì có thể xem thêm phương hướng đặt mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả miền Bắc
Mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung
Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên miền Trung không có nhiều loại quả đa dạng như miền Bắc. Vậy nên trong mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Trung thường khá đơn giản, không khắt khe về hình thức, chủ yếu đề cao tấm lòng người dâng cúng.
Mâm ngũ quả miền Trung
Một số loại quả phổ biến thường thấy trong mâm ngũ quả miền Trung là chuối, dưa hấu, mãng cầu, sung, thanh long, dứa,…Cách trang trí mâm ngũ quả cũng gần tương tự miền Bắc hoặc xếp thành hình tháp kèm theo các loại hoa quả bên cạnh.
Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam
Mâm ngũ quả miền Nam
So với hai miền trên thì miền Nam lại có sự kiêng cữ và chọn lọc các loại quả kỹ càng hơn. Với người miền Nam, họ không chọn chuối để bày biện vì nó có phát âm như từ “chúi”, biểu thị sự đi xuống. Ngoài ra, những loại quả như quýt, cam cũng không được sử dụng. Nhìn chung, mâm ngũ quả miền Nam sẽ có 05 quả chính là mãng cầu, đu đủ, xoài, sung và dừa. Ý nghĩa của các loại quả này đều hướng đến điềm lành cùng ước muốn một năm mới sung túc, bình an.
Cách bày mâm ngũ quả miền Nam không phức tạp. Bạn chỉ cần đặt dừa, đu đủ và xoài lên mâm trước để tạo thế giữ các quả còn lại. Tiếp đó, bạn xếp theo quy tắc quả nặng trước, quả bé sau nhằm tạo thành dáng tháp cân đối.
Một số lưu ý khi trang trí mâm ngũ quả ngày Tết
Để có được một mâm ngũ quả chào Tết thật ý nghĩa thì bạn cần chú ý một số điều sau đây:
Lưu ý khi trang trí mâm ngũ quả ngày Tết
Hiểu ý nghĩa của mâm ngũ quả
Năm loại quả được bày trí trên mâm ngũ quả bao giờ cũng có 05 màu khác nhau tượng trưng cho đất trời. Do đó, bạn nên tìm hiểu rõ thêm về thuyết ngũ hành nhằm đảm bảo sẽ không mắc phải một số lỗi như không bày đủ màu hay chọn tổ hợp quả không có ý nghĩa.
Lau quả thay vì rửa quả cho sạch
Một số người thường tâm niệm quả để bày bàn thờ nên rửa thật bóng và đẹp. Tuy nhiên, việc rửa quả có thể làm chúng nhanh héo và bị thối rữa ở những chỗ đọng nước. Chính vì vậy, bạn chỉ cần dùng khăn sạch và lau cẩn thận phần vỏ bên ngoài là được.
Không nên chọn quả quá chín
Các gia đình có thói quen sắm Tết sớm khiến các loại quả bị chín, héo trước khi dâng lên bàn thờ. Để tránh tình trạng đó, bạn nên lựa chọn các quả chưa chín hẳn để khi bày sẽ giữ được lâu và không bị thối.
Qua bài viết, chúng ta thấy rằng trang trí mâm ngũ quả ngày Tết dường như là hình ảnh không thể thiếu của các gia đình mỗi dịp Xuân về. Hy vọng những thông tin trên sẽ có ích cho bạn trong việc bày trí một mâm ngũ quả thật đẹp ngày Tết nhé.