Bài quyền Lão hổ thượng sơn là một trong 10 bài Võ thống nhất được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN chọn lọc, đưa vào chương trình huấn luyện bắt buộc và biểu diễn trong các hội thi quốc gia.
Đây là bài quyền nổi tiếng, được các bậc thầy đánh giá là đẹp về hình thức diễn xuất với nhiều đòn thế, chiêu thức biến ảo.
Lão hổ thượng sơn vốn là bài quyền “trấn môn” của võ phái Nam Tông lừng danh, trước đây chỉ được truyền dạy cho các cao đồ. Võ sư Lê Văn Kiển – thường gọi là thầy Tám Kiển, người sáng lập võ phái – lúc sinh thời cho biết võ công mà ông thụ đắc vốn xuất xứ từ phái Bạch Hạc bên Trung Hoa.
Bạch Hạc phái do Ngũ Mai Lão Ni sáng lập vào đời Mãn Thanh, được xếp vào hàng Tứ đại môn phái (Thiếu Lâm, Võ Đang, Bạch Hạc, Nga My). Do có nguồn gốc từ một vị sư nữ sáng lập, yếu quyết của Bạch Hạc là lấy âm nhu thắng dương cương với quyền cước thâm nhu, dụng sức địch đánh địch.
Luận về hai chữ Lão Hổ, võ sư Lê Văn Phước – người con trai của thầy Tám Kiển – giải thích: “Có sự ngộ nhận cho rằng Lão Hổ có nghĩa là cọp già. Thật ra phải thấy được hình tượng ẩn giấu đằng sau ngôn từ đó mới hiểu được dụng ý của người xưa. Lão Hổ ở đây hàm ý là cọp đạt tới mức tinh thông lão luyện, vượt qua ngọn núi thử thách, là hành trình mà bất cứ bậc cao thủ nào cũng phải đi qua”.
Lấy chúa sơn lâm làm hình tượng, bài quyền mang thần thái uy nghi của loài mãnh hổ. Động tác dứt khoát, tấn thoái nhịp nhàng, xoay chuyển biến hóa. Lúc chậm thì ung dung, lúc nhanh lại vô cùng dũng mãnh. Các thế đánh và biến thế: như Bạch hổ khởi động, Lão hổ vồ mồi, Đơn tọa phục hổ… đều có thể vận dụng khi công cũng như khi thủ.
Muốn diễn đạt một bài quyền đúng trước tiên phải thấu hết nghĩa lý của nó, tức là phải thuộc và hiểu bài thiệu. Mỗi lời thiệu mang tính tượng trưng cho mỗi thế có ý nghĩa chiến đấu. Học thế võ nào phải hiểu tường tận và biết phân thế ứng dụng chiến đấu trong từng trường hợp cụ thể. Nói về quyền pháp, võ sư Lê Văn Minh diễn giải: “Đi một bài quyền là thể hiện một tác phẩm nghệ thuật giống như ta chơi một bản nhạc.
Theo quan niệm của võ phái Nam Tông, bài quyền là tập hợp nhiều đòn thế tuân theo một qui tắc nhất định, diễn tả một người đấu với nhiều đấu thủ vô hình. Nét đặc trưng cần nhận thức là đòn thế không đi trên một đường thẳng. Nó phải được thể hiện bằng những nét cong, vòng và luôn trong thế liên hoàn. Đòn trong bài quyền có đòn tá, đòn chánh (hư thực), tá biến thành chánh, chánh biến thành tá, hư hư thực thực tấn công nhiều mặt, bốn hướng đông – tây – nam – bắc thoắt tiến, thoắt lùi, đốn gốc phá tâm đối phương, thật là nguy hiểm vô song, không biết đâu mà lường được“.
Nét độc đáo và tinh hoa của bài quyền Lão hổ thượng sơn nằm trong phần phân thế. Do triết lý dụng nhu thắng cương, đòn tay hổ đánh ra không nặng về sức mạnh, mà thiên về kỹ thuật dị biệt. Để diễn đạt tính đặc thù này, võ sư Ngô Văn Hải và võ sư Lê Văn Minh (ảnh – đeo kính) biểu diễn kỹ thuật đỡ đòn “chỉ khép vô, không mở ra” luôn luôn che phủ kín thân mình. Kế đến sử dụng đòn đánh dùng hình thức “chuyền tay” công, thủ, khóa, mở, ém, trói đầy kỳ lạ để mượn lực đối phương phản đòn, dùng Long đầu quyền (đốt thứ hai ngón tay trỏ) và hổ trảo đánh vào các yếu huyệt.
Võ sư Ngô Kim Hải phân tích: Ở bậc thấp khi đối phương tấn công, ta đỡ rồi đánh trả đòn, ấy là phương pháp căn bản, gọi là lối đánh hai nhịp. Ở bậc trung đỡ đòn và đánh trả cùng lúc là lối đánh một nhịp. Bậc cao kỹ thuật vận dụng khó hơn nhiều với lối đánh nửa (1/2) nhịp, đỡ đòn cũng chính là công đòn.
Ngoài ra, luyện thân pháp, đấu pháp có “phép xoay âm dương” để lách né, không dùng lực đối kháng trực tiếp. Phương pháp này đặc sắc ở chỗ chỉ lách xoay một bên và luôn luôn tiến lên chứ không lùi. Kỹ thuật này cho phép người yếu không cần va chạm lực đối lực trực tiếp với kẻ mạnh, nhưng đồng thời áp đòn và tung đòn rất nhanh. Vận dụng phép xoay âm dương còn cho phép chống trả binh khí rất hữu hiệu…
Bài quyền Lão hổ thượng sơn đến nay được phổ cập trong cả nước, là bài thi trong các giải đấu toàn quốc và biểu diễn trong các ngày hội võ cùng nhiều lễ hội dân gian khác. Từng bước, bài quyền được truyền bá ra nước ngoài như là một sản phẩm văn hóa độc đáo của VN. Có thể nói bài danh quyền này đã trở thành tài sản chung của dòng võ cổ truyền dân tộc.
Lời thiệu Lão Hổ Thượng Sơn:
1: Bạch hổ khởi động
Chấp thủ khai mã
Song thủ phá cước
Đồng tử dâng quả
Lưỡng thủ khai môn
2: Đại bàng triển dực
Đơn tọa phục hổ
Hữu thủ yểm tâm
Hồi đầu thoái tọa
Tả thủ yểm tâm
Nhất cước phá đao
3: Hồi mã đả hổ
Nhất quyền đả khứ
Lão hổ vồ mồi
Ngũ phong đả bồi
Song đao phạt mộc
4: Hoành thân thoái toạ
Song phi cước khứ
Long quyền đả khứ
Tả hữu đả diện
Cuồng phong tróc nã
5: Thối tọa hữu biên
Tả thủ phá cước
Hoành thân phục hổ
Hữu thủ yểm tâm
Ngũ phong đả diện
6: Thoái tọa tả biên
Hữu cước đảo địa
Đơn tọa phục hổ
Tả thủ yểm tâm
Ngũ phong đả diện
7: Hoành thân đoạt ngọc
Tả cước tảo địa
Đơn tọa phục hổ
Hữu thủ yểm tâm
Lưỡng thủ vạn năng
8: Âm dương nhứt bộ
Đơn tọa phục hổ
Tả thủ yểm tâm
Long quyền đoạt nhãn
Lưỡng thủ tả cước
9: Thanh sư xuất động
Hoành thân thoái toạ
Hữu thủ yểm tâm
Long quyền đoạt nhãn
Lưỡng thủ hữu cước
10: Tàng hoa đơn toạ
Tướng quân bạt kiếm
Bái tổ thâu mã.
Theo Tuổi Trẻ